Mọi doanh nghiệp startup lớn hay nhỏ đều bắt nguồn từ một ý tưởng khởi nghiệp. Điều quan trọng là bạn phải biết cách chuyển ý tưởng đó thành hành động. Nói về vấn đề này, hẳn nhiều người sẽ cảm thấy hết sức choáng ngợp và cho rằng đây là chuyện “khó ăn” nhưng với 6 bước đơn giản để bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh riêng mà Khởi Nghiệp Trẻ sắp giới thiệu cho bạn dưới đây sẽ khiến mọi chuyện hóa ra lại dễ dàng hơn bạn nghĩ.
CÁC BƯỚC KHỞI NGHIỆP
Viết Kế Hoạch Kinh Doanh
Mọi thứ sẽ trở nên mờ mịt nếu bạn không hiểu rõ mình cần phải làm gì trong quá trình startup. Vì vậy, xây dựng kế hoạch kinh doanh là việc đầu tiên bạn cần làm. Nhiều chủ doanh nghiệp thường rơi vào cái bẫy trong việc cố gắng tạo ra những kế hoạch mang tầm vĩ mô. Nên nếu bạn đang tìm nguồn tài chính hoặc đầu tư bên ngoài, bạn nên thử nghiệm ý tưởng của mình trước khi đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc vào kế hoạch đó. Đừng cố xây dựng kế hoạch ở tầm quá vĩ mô bởi người thành công không phải là người làm việc “to” nhất mà là người biết cách biến cái “nhỏ” thành cái có giá trị gấp bội lần.
Đó là lý do mà trước khi bắt đầu, hãy nghĩ đến những điều đơn giản, một kế hoạch kinh doanh tổng quát về từng giai đoạn cụ thể để bắt đầu khởi nghiệp.
- Xác định tầm nhìn của bạn: Kết quả cuối cùng của việc kinh doanh của bạn là gì?
- Xác định sứ mệnh của bạn: Khác với tầm nhìn, sứ mệnh giải thích lý do vì sao công ty của bạn được hình thành.
- Xác định mục tiêu của bạn: Câu hỏi bạn sẽ làm gì? và Mục tiêu của bạn là gì? – sẽ giúp bạn đạt được sứ mệnh và tầm nhìn của mình.
- Sơ thảo những chiến lược cơ bản: Bạn sẽ đạt được mục tiêu mà mình đề ra như thế nào?
- Viết một kế hoạch hành động đơn giản: Viết ra các nhiệm vụ nhỏ cần thiết để đạt được mục tiêu đã đề ra.
Điều này trên cơ bản tương tự với việc bạn vẽ một sơ đồ tư duy cho doanh nghiệp tương lai của mình. Bản kế hoạch không nên quá dài như một quyển tự thuật nhưng vẫn phải đủ dài cho một sự “hình dung” cụ thể về “đứa con” tương lai của bạn.
Quyết Định Dựa Vào Ngân Sách
“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, nếu “biết người” giúp bạn nắm rõ thông tin bạn đang “chiến đấu” với những đối thủ thế nào thì “biết ta” là bước bạn phải hiểu rõ năng lực của mình tới đâu để phát huy nó một cách tốt nhất. Việc bạn cần làm là xác định một mức ngân sách cụ thể mà bạn có thể chi cho doanh nghiệp của mình. Nếu bạn tự đầu tư bằng tiền túi của chính mình, hãy thực tế về những con số và đừng tham vọng quá nhiều.
Bạn muốn thành lập công ty với dự định sinh lời trong 30 – 90 ngày đầu tiên. Điều này là hoàn toàn khả thi. Khi kinh doanh, bạn cần có nhiệt huyết, cần có những mục tiêu cao cả để làm động lực. Tuy nhiên, đầu óc của dân kinh doanh không bao giờ xa rời hiện thực vậy nên song song với việc chạy theo các mục tiêu lớn, bạn vẫn phải dự trụ với những trường hợp xấu sẽ xảy đến với doanh nghiệp của bạn. Tức là, bạn phải luôn có khoản ngân sách dự phòng cho những điều “không mời mà đến” để tạo đường lui an toàn cho mình.
Quyết Định Dựa Trên Các Yếu Tố Pháp Lý
Đây là một trong những công đoạn quan trọng nhất của 6 bước để bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh riêng. Không một doanh nghiệp nào tồn tại lâu dài và minh bạch nếu chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý. Với những hình thức, quy mô doanh nghiệp khác nhau sẽ có những yêu cầu về pháp lý khác nhau. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu rõ những thủ tục pháp lý mà mình sẽ phải thực hiện dựa trên quy mô doanh nghiệp bạn sắp kinh doanh. Bạn có thể cân nhắc về độ phức tạp của giấy tờ hay các phí phát sinh sao cho phù hợp với khả năng của bản thân nhất để lựa chọn hình thức kinh doanh.
Vấn đề giấy tờ thủ tục là vấn đề trọng yếu không thể bỏ qua hay “lách luật”. Vậy nên bạn cần thực sự kỹ lưỡng ở bước này. Tùy vào hình thức kinh doanh sắp tới mà bạn sẽ phải nghiên cứu các loại giấy tờ như giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm,… Điều này giúp việc kinh doanh của bạn không phải gặp rắc rối khi được kiểm tra bởi các cơ quan có thẩm quyền và đây là nghĩa vụ mà mỗi chủ doanh nghiệp phải thực hiện. Khách hàng cũng sẽ yên tâm và tin dùng doanh nghiệp của bạn hơn nếu được đề cập đến việc doanh nghiệp bạn đã đáp ứng đủ các loại giấy tờ thủ tục theo quy định của pháp luật.
Chi Tiền Hợp Lý
Không chỉ nên chú trọng đến công đoạn xác định vốn, bạn còn cần phải chú ý đến vấn đề chi tiền trong quá trình trước và đang kinh doanh. Đừng “vung tiền quá trớn” hoặc quá kiệt xỉ. Việc “vung tiền quá trớn” sẽ khiến bạn vỡ kế hoạch, tệ hơn là tạo ra các khoản nợ, đưa doanh nghiệp đến gần hơn với ranh giới phá sản và khiến việc kinh doanh của bạn trở thành áp lực. Đồng thời, quá kiệt xỉ làm hạn chế tiềm năng phát triển của doanh nghiệp, đã kinh doanh thì không keo kiệt, vấn đề nằm ở sử dụng tiền thông minh chứ không phải ki bo trong việc chi tiền cho một ý tưởng lớn.
Vậy làm sao để chi tiền một cách hợp lý nhất? Những điều bạn cần làm là xác định rõ những lĩnh vực cần chi để bắt đầu khởi nghiệp và cả để duy trì doanh nghiệp, tính toán chi tiết nhất có thể về thu nhập và lợi nhuận sau mỗi tháng kinh doanh. Với 2 hành động trên, bạn hoàn toàn nắm chặt túi tiền của mình và chỉ chi khi khoản phí đó thực sự hợp lý. Kinh doanh với một trái tim nóng tràn đầy nhiệt huyết nhưng vẫn giữ một cái đầu lạnh trong “cuộc chơi” chính là điểm mấu chốt cho sự thành công của nhiều chủ doanh nghiệp. Hãy điều khiển đồng tiền trước khi nó điều khiển bạn!
Xây Dựng Website
Cho dù công ty của bạn kinh doanh trực tuyến hay không thì bạn sẽ vẫn cần một trang web và đảm bảo 1 URL. Trong thời đại công nghệ hiện nay, việc khách hàng tiếp cận thông tin trên Internet là một điều phổ biến, vì vậy xây dựng website để đưa doanh nghiệp của bạn đến gần hơn với khách hàng hiển nhiên là một điều nên thực hiện. Yếu tố tạo nên sự khác biệt của một website doanh nghiệp là tên miền riêng của doanh nghiệp đó. Bạn có thể truy cập vào những trang web kinh doanh các tên miền phổ biến để lựa chọn tên miền đảm bảo được các tiêu chí về chất lượng nhưng vẫn phù hợp với túi tiền.
Xây dựng một website không chỉ chú ý mỗi tên miền, thiết kế và hệ thống điều hành của website cũng là điều bạn cần để tâm. Không cần quá hoa mỹ hay lộng lẫy, thiết kế bên trong website của doanh nghiệp bạn kinh doanh chỉ cần tối giản, dễ sử dụng, không gây khó chịu cho khách hàng thì bạn đã thành công. Bạn có thể tự thiết kế website của mình nếu bạn có khả năng để tiết kiệm được khối tiền phải chi hoặc sử dụng các dịch vụ thiết kế website chuyên nghiệp. Website không nên được xây dựng quá phức tạp, rườm rà, tốc độ sử dụng chậm bởi những điều này sẽ gây mất điểm trong mắt khách hàng của bạn.
Bán Hàng Thử
Bây giờ bạn đã có đủ nền tảng để thử nghiệm kinh doanh sản phẩm của mình. Hãy lan rộng ra thế giới bằng những cách sáng tạo và ít tốn kém nhất. “Dùng thử”, “Khuyến mãi” luôn là những cụm từ thu hút được sự quan tâm của khách hàng. Vì vậy, thực hiện các chương trình quảng bá bằng cách cho khách hàng dùng thử chính sản phẩm hay dịch vụ mà bạn sắp kinh doanh sẽ là “đòn tâm lý” mạnh mẽ. Nếu bạn khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, hãy liên lạc với những văn phòng thương mại ngay, hỏi họ những nguồn có sẵn để bạn giới thiệu và chia sẻ thông tin về công ty mình. Nếu bạn kinh doanh một doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, hãy kiểm tra mức độ khả thi trong việc kinh doanh sản phẩm ở địa phương, chợ nông sản hoặc những sự kiện cộng đồng.
Bên cạnh việc truyền thông thì đây là một cách quảng bá tuyệt vời. Thậm chí, bước này giúp bạn kiểm tra chất lượng của dịch vụ hoặc sản phẩm của mình và có cơ hội thay đổi, hoàn thiện nó hơn, dựa trên chính những góp ý của đối tượng khách hàng bạn sẽ phục vụ. Đừng keo kiệt giữ sản phẩm cho riêng mình trong giai đoạn đầu của việc khởi nghiệp bởi đánh giá của bản thân bạn sẽ không hiệu quả bằng đánh giá khách quan đến từ những khách hàng sẽ quyết định sử dụng hay không sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp bạn trong tương lai.